Giỏ hàng

Làm thế nào để học AI và ứng dụng AI cho người không phải chuyên ngành

Với một con người bình thường không có năng lực về công nghệ, không học về ngành công nghệ cũng như không có điều kiện tiếp xúc với công nghệ thường xuyên – những người lao động bình thường, những người lao động trong lĩnh vực phi công nghệ, những người làm việc văn phòng – thì làm thế nào để có thể ứng dụng, áp dụng và sống cùng AI?

Trong mỗi chúng ta, kể cả những người làm trong lĩnh vực công nghệ, AI là một phạm trù rất rộng. Không ai có thể tự tin khẳng định rằng mình hiểu hết về AI, vì mỗi lĩnh vực sẽ có những khả năng tư duy khác nhau. Hơn thế nữa, mỗi quốc gia, mỗi ngành nghề, mỗi nền văn hóa sẽ có cách điều chỉnh AI khác nhau, và AI cũng sẽ học, nhân bản theo những cách riêng biệt, tạ ra các phiên bản khác nhau. Vì vậy, không ai có thể khẳng định rằng mình hiểu hết về hệ thống AI hay có thể sống hoàn toàn cùng AI. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải phát triển và thích nghi với môi trường AI xung quanh mình, giống như cách internet đã len lỏi vào cuộc sống của chúng ta.


Chúng ta cần chuẩn bị những kiến thức gì?

Đầu tiên, chúng ta nên tiếp cận các hệ thống AI được cài đặt, tích hợp trong các thiết bị công nghệ như điện thoại thông minh, máy tính, và sử dụng chúng một cách bình thường. Chúng ta nên tận hưởng các tiện ích mà AI mang lại, nhưng không có nghĩa là chỉ dành thời gian cho giải trí. Khi lướt Facebook, Shopee, YouTube,… thay vì chỉ tập trung vào nội dung giải trí, hãy tự đặt câu hỏi: Tại sao những nội dung này lại xuất hiện? AI đã vận hành như thế nào để đưa ra những gợi ý này? Khi đặt câu hỏi, chúng ta sẽ tìm ra câu trả lời, từ đó rèn luyện tư duy logic lập luận và nâng cao hiểu biết về AI một cách tự nhiên.

Để ứng dụng AI tốt hơn, chúng ta cần có khả năng học hỏi. Công nghệ sẽ ngày càng phát triển và thâm nhập sâu hơn vào cuộc sống, vì vậy chúng ta nên dành thời gian lắng nghe và tiếp cận những kiến thức về công nghệ một cách dễ hiểu và phổ thông. Giống như việc học nói, học viết, học toán là nền tảng cơ bản của con người, thì AI cũng nên được coi là một kỹ năng quan trọng cần phải học. Chúng ta hãy coi AI như một nền tảng, kiến thức chúng ta cần phổ cập như để xóa nạn mù chữ vậy!

Học về AI không khó. Nó giống như việc học chữ – khi chúng ta dành thời gian tiếp cận, học hỏi một cách tự nhiên, kiến thức về AI cũng sẽ phát triển theo thời gian. Một cách đơn giản để bắt đầu là sử dụng các thiết bị công nghệ cầm tay như điện thoại, máy tính…

Một điều quan trọng khác là không nên cố gắng tìm hiểu tất cả các lĩnh vực mà AI can thiệp. Thay vào đó, hãy tập trung vào một lĩnh vực cụ thể liên quan đến công việc hoặc cuộc sống của mình. Việc cố gắng hiểu AI trong quá nhiều lĩnh vực, từ chứng khoán, công nghệ thông tin, quản trị doanh nghiệp đến thiết kế, sẽ khiến chúng ta bị quá tải. Ngay cả những chuyên gia cũng không thể hiểu sâu hết tất cả các hệ thống AI trong mọi ngành nghề. Đừng quá ham khi muốn hiểu hết các lĩnh vực mà AI ứng dụng, không nên đẩy quá nhiều thông tin vì đây là nguồn thông tin khổng lồ, vượt quá khả năng của chính mình. Vì vậy, hãy chọn một lĩnh vực mà AI có thể hỗ trợ bạn tốt nhất và tập trung nghiên cứu sâu vào đó.

Khi bạn hiểu sâu về AI trong một lĩnh vực cụ thể, bạn sẽ có cơ hội phát triển, kiếm tiền, nâng cao năng lực và áp dụng AI vào công việc, kinh doanh, cũng như cải thiện phương pháp làm việc và mối quan hệ xã hội của mình. AI đang dần len lỏi vào mọi ngõ ngách trong cuộc sống, và việc trang bị kiến thức về AI sẽ giúp bạn thích nghi và phát triển trong thời đại công nghệ.
CTO Tuân Nguyễn