Giỏ hàng

Truyện ngắn về BÀ NỘI!

Những bức ảnh đầu 2004, kỷ niệm về bà ùa về trong tôi

- Bà ơi cứu cháu, bà ơi cứu cháu! Bà à...à..

Hôm ấy trời nổi cơn giông, mây đen xám xịt kéo đến. Lúc đó, mình đang ôm chặt ngọn cây ổi, gió quật mạnh từ bên này sang bên kia, khiến mình hoảng loạn hét lớn. Bà từ trong nhà chống gậy chạy ra, hét toáng lên cầu cứu, nhờ hàng xóm sang giúp. Chị Tuyển, lúc đó mặt mày xanh lét, đứng dưới gốc cây, không biết làm sao để cứu đứa em họ. Làm sao mà cứu được, khi ấy cả hai chị em mới chỉ 8 tuổi, còn bà thì lưng đã còng, chỉ biết chống gậy chạy ra cổng tìm người giúp. May mắn thay, lúc ấy có anh Ưng đi làm đồng về, anh vội quẳng đồ xuống sân rồi leo lên cây, hỗ trợ mình xuống đất an toàn. Thằng bé 8 tuổi, sợ hãi đến rơi nước mắt, ôm chặt lấy bà nội, nước mắt lăn theo những giọt mưa rào vừa kịp kéo về.

Tuổi thơ của mình, 10 ngày thì có đến 8 ngày ở nhà bà nội, chỉ về nhà khi đến bữa ăn. Rồi khi mình lớn lên, cấp 2, cấp 3, bà vẫn luôn hiện diện thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày. Biết đi xe đạp, mình chở bà đi sang nhà bác này, bác kia hoặc đón bà về nhà ở vài ngày. Vì bà đi lại khó khăn, nên lúc nào bà cũng đợi mình vào để bà truyền đạt thông tin cho mọi người. Bà ốm đau, mình chẳng giúp được gì nhiều, nhưng cũng chịu khó đạp xe từ nhà vào đun nước cho bà tắm, gội đầu. Cũng biết dành tiền mua cho bà cây kem mỗi khi trời nóng.

Bà có cái oản, nắm xôi, quả nhãn, lúc nào cũng đợi thằng cháu út vào để chia phần, không đứa cháu nào được động vào.

Khi mình lên cấp 3, bà yếu dần, mắt không còn rõ nữa, bà ít đi lại, chỉ ngồi nhà đợi cháu vào trò chuyện. Bà hay kể chuyện xưa, kể về ông nội đã mất từ mấy chục năm trước, khi bố mình mới 17 tuổi. Bà kể về những ngày nuôi bố và các bác vất vả, chạy tây chạy giặc. Bà kể chuyện thời bà còn trẻ, khi lấy ông, xa quê để tránh giặc. Rồi bà kể về bác Đỉnh hy sinh ở chiến trường, bác Tâm tận Bạc Liêu xa cách thất lạc mấy chục năm trời. Bà hay lắng nghe những câu chuyện về tình cảm anh em ruột thịt của mình, gửi gắm những cảm xúc nhưng đã quá xa xôi, khi nhiều người trong số đó đã ra đi.

Mỗi lần nghe những câu chuyện ấy, mình cảm thấy đời người thật ngắn ngủi. Những buổi trưa hè nóng nực, bà yếu ớt quạt phe phẩy cho thằng cháu trai khỏe mạnh ngủ trên phản gỗ mát lịm. Văng vẳng bên tai là tiếng bà kể chuyện, lúc đó mình đâu biết rằng chỉ vài năm nữa sẽ không còn khung cảnh ấy nữa.

Khi vào đại học, cả tháng mình mới về thăm bà một lần, thậm chí có nhiều tháng, mình bận rộn với việc học hành, thi cử, rồi việc làm thêm, cuộc sống cuốn mình đi xa. Chẳng còn thời gian để về ngủ trưa trên giường bà như ngày xưa nữa.

Nhớ lại ngày mình đưa bạn gái, giờ là vợ, vào ra mắt, bà cũng mừng cho mình vì đã có người yêu. Bà còn nói câu quen thuộc khi khoe thằng cháu nội: "Thằng Tuân gái nó theo về tận nhà".

Rồi ra trường đi làm, vào một buổi sáng sớm mùa đông năm 2005, bố gọi điện bảo: "Bà mất rồi!". Thằng con trai 23 tuổi lúc ấy không kịp báo cơ quan công tác, nhảy lên xe và không đủ kiên nhẫn đợi đò, nước mắt chảy dài, lao về quê mong được nhìn mặt bà lần cuối. 

Bố bảo tối qua bà không nói được gì, câu cuối cùng bà hỏi: "Thằng Tuân đâu rồi?" rồi bà lịm đi. Lúc bà mất, mẹ là người nằm cạnh, mẹ bảo bà như người cõi tiên, trời đổ cơn mưa rào sạch sẽ.

Sau đó, mình cưới vợ, sinh con. Thật tuyệt vời vì mình vẫn thỉnh thoảng gặp bà trong giấc mơ. Nhớ nhất là năm mình đầu tư sai lầm, công ty lâm vào khó khăn, mình đã gặp bà. Bước vào sân nhà, thấy bà vẫn ngồi trên phản phe phẩy quạt. 

Mình uể oải hỏi bà: "Bà ơi, cháu mệt mỏi quá, công ty không làm ăn được, cháu bị stress kinh niên."

 Bà trả lời: "Cháu phải bình tĩnh, tạm thời dừng lại, hãy đi làm thuê. Khi nào phù hợp sẽ làm lại. Bà tin chắc rồi sản phẩm của cháu sẽ phủ khắp cả nước."

 Giật mình tỉnh dậy trong đêm, hôm sau kể lại chuyện cho vợ nghe, mình thấy lòng nhẹ nhõm, thanh thản hẳn, và quyết định thay đổi cuộc đời.

Rồi mình đi làm thuê cho người Hàn. Những năm tiếp theo đó, dù bận rộn công việc nhưng mình vẫn thường xuyên gặp bà trong giấc mơ. Mỗi lần như trút đi được gánh nặng công việc, mưu sinh, thêm động lực để khao khát lập nghiệp và hướng tới tương lai.

Tối qua, Bố gọi điện bảo mai về nhé, mai ngày giỗ bà rồi, thời gian trôi nhanh quá, nhớ bà quá, đã 11 năm rồi sau ngày bà mất.

Và đây là những bức ảnh thượng thọ bà năm 2004 chưa từng được công bố:

Mừng thọ bà nội

bà nội