Câu chuyện về Mẹ
"Trả bố đây, trả bố tiền đây."
"Giờ mẹ không đủ tiền, để mai được không?"
"Ứ ừ! Trả đây, bắt đền mẹ đấy! Ai bảo mẹ hứa rồi, hứa thì phải làm chứ? Mua báo trả con đây."
Những giọt nước mắt rơi lã chã, tiếng gào khóc đòi mẹ đưa tiền để chiều đặt báo vang lên trong không gian tĩnh lặng. Giờ đây, khi nhớ lại, tôi vẫn rùng mình vì ngày đó sao mình lại vô tâm đến vậy. Tôi gào khóc và gào khóc, bất chấp khuôn mặt mẹ đang lo lắng, phiền muộn, và đôi mắt mẹ rơm rớm nước mắt. Cuối cùng, mẹ phải chạy đi đâu đó để mượn tiền...
Những năm 90 của thế kỷ trước, tôi là một cậu bé 10 tuổi, liên tục kéo áo, kéo quần mẹ để đòi mẹ trả hơn 10 nghìn đồng cho việc đặt một quý báo "Thiếu niên Nhi đồng". Tôi đã phải cố gắng rất nhiều để đạt được thành tích học sinh khá, vì mẹ đã hứa sẽ mua cho tôi một quý báo. Khi đó, tôi còn quá nhỏ để hiểu rằng mẹ buôn bán nhỏ rất vất vả, còn bố làm quản lý đội thợ xây dân dụng cho các gia đình nghèo, mà tiền lại chẳng đủ tiêu. Anh Tuấn và tôi thường phải theo bố đi ăn cơm mời, vì người ta muốn giảm tiền trả công. Gia đình tôi nghèo mãi cho đến năm lớp 8, lớp 9 khi buôn bán mới bắt đầu khá hơn.
Vốn là một cậu học sinh yếu kém, nhưng mẹ là người đã động viên và thúc đẩy tôi ham học nhất. Thời đó, mẹ học hết cấp 3 nhưng vì cuộc sống khó khăn nên không thể học tiếp lên đại học. Mẹ đặt nhiều kỳ vọng vào việc học của ba chị em tôi.
"Thơm này, em nó làm được toán lớp 6 rồi đấy, đã biết thập phân rồi này."
Chỉ một câu nói đơn giản vậy thôi mà mẹ làm cho tôi cả buổi tối thắp đèn đọc hết bộ sách lớp 6 để hôm sau khoe với chị Thơm những kiến thức trong đó.
Tôi còn nhớ, năm học lớp 8, một hôm ngồi ở đầu hè bậc thềm xi măng, sân nền gạch đỏ, bố trồng mấy chậu cây xi cảnh, mẹ đang bắt chấy cho chị Thơm thì tôi nhận được một lá thư từ bác Hiền, bưu tá gửi qua nhà. Tôi ê a đọc thư của một bạn mới quen gửi, rồi mẹ bảo đọc cả lá thư tôi viết cho bạn ấy:
"Đấy, cái Thơm, em nó viết thư hay lắm, nếu viết nhật ký thì sẽ rất tốt."
Đó là lá thư đầu tiên tôi làm quen với một bạn gái ở thị xã Bỉm Sơn thông qua tờ báo Thiếu niên Nhi Đồng. Bạn gái đó có tên là Minh Châu, và chính vì vậy, con gái sau này của tôi được đặt tên là Minh Châu. Chỉ vì một câu nói của mẹ mà ngay tối hôm đó và về sau đến tận hết đại học, tôi luôn viết nhật ký mỗi đêm, rèn luyện được tính logic trong văn, và đọc sách báo như trâu. Bạn bè thường gọi tôi là “mọt sách”.
Mẹ là người ảnh hưởng đến tính cách của tôi quá rõ nét. Mọi hoạt động, cử chỉ, và suy nghĩ của tôi đều bị ảnh hưởng bởi mẹ. Mẹ quan tâm đến sức khỏe, nhắc nhở việc học hành, gửi tiền khi tôi học đại học và luôn dặn tôi cầm thêm. Những năm đầu đại học, mỗi lần về quê, tôi luôn tự hứa chỉ lấy 300 nghìn một tháng từ mẹ rồi lại lên đường. Tôi hay khóc thầm những lần đầu xa nhà vì nhớ mẹ, nhớ nhà.
Năm đầu tiên đại học, một lần về nhà chơi, mẹ đã khóc. Mẹ bảo tôi sao lại gầy thế, mà tôi thật sự gầy. Có lẽ đó là lần đầu tiên mẹ khóc vì tôi và mẹ khóc khi tôi thấy hạnh phúc.
"Mẹ đã cấm con đi làm thêm cơ mà, ai cho đi làm? Bố mẹ đâu có thiếu tiền, sao con không nghe lời? Cần tiền thì bảo, rồi tập trung vào học hành. Lần này cấm con đi làm đấy."
"Con thích đi làm để mua cái khăn này cho mẹ. Con đi làm cũng không vất vả gì, con thích làm thôi chứ không phải vì thiếu tiền."
"Cái khăn này mẹ rất quý nhưng mẹ thiếu gì đâu mà con mua."
Vâng, cái khăn ấy là món quà đầu tiên tôi biết mua để tặng mẹ. Ngày hôm đó, tôi kể cho mẹ nghe chuyện mình đi làm thêm, đi trông xe đạp trong quán café. Mẹ cầm khăn xuống bếp, rơm rớm nước mắt. Bố bảo:
"Làm sao phải khóc, kệ nó, cho nó đi làm cho biết quý đồng tiền."
Tôi chỉ cười rồi pha ấm trà mời bố. Giờ tôi nghiện trà có lẽ là do bố, vì bố cũng là người nghiện trà.
Mẹ ít đi lại, ít hưởng thụ, mẹ thiệt thòi quá nhiều và hy sinh tất cả vì con cái. Mẹ luôn là vậy, kiếm bao nhiêu tiền cũng chỉ tích góp rồi lại cho con, chẳng màng vật chất, mẹ lo cho đứa này rồi lo cho đứa khác… chẳng khi nào ngừng nghĩ về con.
Ngày tôi ra trường, thời gian đầu đi làm thuê cho các công ty, cuộc sống ổn định, kiếm được tiền gửi về cho mẹ tích lũy hộ. Mẹ mừng lắm. Nhưng rồi đến lúc tự kinh doanh, cuộc sống vất vả thiếu thốn, mẹ là người lo lắng nhất. Mẹ vẫn hay gọi điện hỏi thăm, rồi có lúc làm ăn không được vì những bước đi sai lầm, mẹ là người khóc vì tôi nhiều nhất, mẹ lo cho con vất vả, rồi mẹ đánh đổi tất cả, giang tay giúp đỡ con thoát nạn, thoát khó khăn.
"Để thứ 5 con về đưa mẹ đi khám nhé, mẹ không khám không được đâu, mẹ cứ coi thường sức khỏe vậy đến lúc làm sao thì làm sao?"
"Không cần đâu, mẹ khỏe mà. Con bận thì thôi, bố mày đưa mẹ khám ở đây cũng được, mẹ khám ở quê cũng được mà."
Mẹ luôn quan tâm đến sức khỏe của tôi nhưng lại chẳng bao giờ quan tâm đến sức khỏe của mình.
Hai tháng trước, tôi đưa mẹ đi khám. Mẹ ngồi bên trong đợi tới lượt, còn tôi ngắm nhìn mẹ từ góc cửa. Mắt mẹ đã có hiện tượng sụp mí, nước da trắng hồng ngày nào giờ đã thay đổi. Lòng tôi quặn đau vì thời gian sao lại trôi nhanh đến thế. Mới ngày nào mẹ còn khỏe mạnh, bê cả bao thóc, chở hàng tạ gạo mưu sinh nuôi con, chẳng bao giờ phải lo lắng về bệnh tật. Giờ đây, mẹ phải sống chung với huyết áp rồi bệnh thận. Than ôi! Biết phải làm sao bây giờ?
"Thúy ơi, hay đợt này mẹ đổi thuốc, thuốc này người ta phát có vẻ không hợp, mẹ thấy mệt mệt."
"Mẹ xem thuốc uống thế nào, chắc mẹ lại ăn chay, thiếu chất thiếu máu rồi. Hay là thuốc không hợp với mẹ nữa. Mẹ lên đây khám để đổi thuốc nhé."
Khi mẹ nói vậy là mẹ thật sự rất mệt. Bây giờ, sức khỏe của mẹ đã yếu đi nhiều. Chỉ có con dâu là mẹ hay hỏi về thuốc thang nhất, bỏ qua cả con trai. Con dâu thường tìm hiểu rồi khuyên mẹ cái này cái khác, nên mẹ tin tưởng.
"Tuần này vợ chồng có về không con?"
"Dạ, con đi công tác Sài Gòn không về được mẹ ạ. Để tuần sau mẹ nhé."
"Ừ!"
Lần khác:
"Tuần này vợ chồng có về không con?"
"Con đang phải hoàn thiện phần mềm, chắc con phải tập trung làm cho xong, có gì con tranh thủ về."
"Ừ!"
Lần khác nữa:
"Tuần này có về không con?"
"Vâng, để chủ nhật con về ạ."
"Về chiều thứ 7 đi, tối làm cơm cho tất cả chúng nó lên ăn."
"Nhưng ở nhà ồn ào con khó ngủ lắm, với lại con vẫn phải làm đêm, để trưa chủ nhật đi mẹ."
"Ừ!"
Mẹ nhớ con nhớ cháu, mẹ muốn cả nhà về, muốn chúng tôi về thật nhiều để mẹ vui. Mẹ luôn muốn tôi về và ngủ lại ở nhà. Hôm nào ở lại là cả nhà tất cả anh chị em lại nói chuyện đến đêm, có lẽ chỉ vậy là mẹ khỏe ra rồi.
Có lẽ cuộc sống luôn có quá nhiều thứ phải quan tâm bận tâm, để rồi chỉ thỉnh thoảng ăn cơm tối xong mới nhớ đến mẹ, gọi điện hỏi thăm dăm ba câu rồi tắt máy, chẳng khi nào có được 1 bó hoa tặng mẹ, thế nhưng bởi hoa không chỉ để xứng đáng dành tặng mẹ, cao hơn nữa con chẳng biết nó là thứ gì nữa, chẳng thể mô tả được, chẳng thể nói thành lời.
Tuân Nguyễn con trai của mẹ!