Trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, deepfake đã trở thành một mối đe dọa thực sự đối với sự an toàn và bảo mật thông tin cá nhân của chúng ta.
Deepfake là công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra các video, hình ảnh, và giọng nói giả mạo con người một cách rất tinh vi và khó phát hiện. Những kẻ xấu đã tận dụng deepfake để thực hiện các cuộc tấn công lừa đảo, đánh cắp thông tin, và thậm chí là tống tiền. Theo báo cáo từ McAfee, chỉ cần 3 giây âm thanh là AI đã có thể sao chép giọng nói của bạn. Để bảo vệ bản thân khỏi những rủi ro từ deepfake, hãy áp dụng những biện pháp dưới đây.
Cách Bảo Vệ Bản Thân Khỏi Nạn DeepFake
Thông tin cá nhân, hình ảnh và video mà bạn chia sẻ trên mạng xã hội là nguồn tài nguyên chính để AI huấn luyện và tạo ra deepfake. Vì thế, càng ít thông tin cá nhân của bạn được công khai trên mạng, kẻ xấu càng khó tạo ra deepfake của bạn.
Hạn chế chia sẻ thông tin nhạy cảm: Đăng ảnh hoặc video trên mạng xã hội ở chế độ bạn bè thay vì chế độ công khai. Hạn chế đăng tải thông tin cá nhân, hình ảnh, hoặc video nhạy cảm lên mạng.
Kiểm soát danh sách bạn bè: Tránh kết bạn với những tài khoản lạ để giảm thiểu nguy cơ bị lừa đảo. Các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý không cho con cái tiếp xúc với mạng xã hội quá sớm và giáo dục sớm về sự nguy hiểm của việc chia sẻ hình ảnh, video hoặc thông tin cá nhân trên mạng.
Xác thực nhiều yếu tố là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để bảo vệ tài khoản và thông tin cá nhân của bạn khỏi sự truy cập trái phép.
Xác thực hai yếu tố (2FA): Kích hoạt xác thực hai yếu tố cho tất cả các tài khoản trực tuyến của bạn, bao gồm email, mạng xã hội, và ngân hàng. Điều này giúp bạn kiểm soát được quyền truy cập vào tài khoản ngay cả khi mật khẩu của bạn bị lộ.
Sử dụng mật khẩu mạnh và đa dạng: Kết hợp giữa mật khẩu văn bản, mật khẩu ứng dụng, FaceID, hoặc các hình thức bảo mật sinh trắc học khác để tăng cường bảo mật.
Hãy luôn cảnh giác với những tin nhắn, email, hoặc cuộc gọi có nội dung đáng ngờ, đặc biệt là những thông báo về giải thưởng, yêu cầu khẩn cấp, hoặc thông báo rằng thiết bị của bạn đã bị hack.
Không nhấp vào các đường link đáng ngờ: Tránh tải xuống hoặc ấn vào các liên kết trong email hoặc tin nhắn từ những nguồn không rõ ràng. Đây có thể là chiêu trò của kẻ xấu nhằm dụ dỗ bạn cài đặt phần mềm độc hại hoặc chia sẻ thông tin cá nhân.
Xác minh cuộc gọi và tin nhắn: Nếu nhận được cuộc gọi hoặc tin nhắn yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc chuyển tiền, hãy xác minh kỹ lưỡng. Yêu cầu người gọi cung cấp thông tin chi tiết mà chỉ người quen của bạn mới biết, để đảm bảo rằng bạn đang giao tiếp với đúng người.
Nếu bạn phát hiện hoặc nghi ngờ rằng mình đang là nạn nhân của deepfake, hãy nhanh chóng báo cáo nội dung đó cho các nền tảng mạng xã hội hoặc cơ quan chức năng.
Báo cáo trên mạng xã hội: Các nền tảng mạng xã hội thường có cơ chế báo cáo nội dung vi phạm. Hãy sử dụng tính năng này để yêu cầu xóa bỏ hoặc hạn chế nội dung deepfake và tài khoản vi phạm.
Liên hệ cơ quan chức năng: Nếu bạn bị tống tiền hoặc bôi nhọ danh dự qua các nội dung deepfake, hãy liên hệ ngay với cơ quan chức năng để được hỗ trợ pháp lý và có hướng giải quyết triệt để.
Deepfake đang trở thành một mối đe dọa lớn, và việc bảo vệ bản thân khỏi những rủi ro này đòi hỏi sự cẩn trọng và cảnh giác từ mỗi cá nhân. Hãy áp dụng những biện pháp bảo vệ trên để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình trong thời đại công nghệ số.
Nguyễn Tuân